– Tôi thì trước vốn là một thầy giáo dạy toán, đến khi về nghỉ thì làm nghề thuốc Đông y gia truyền mà nghề thuốc Đông y của tôi các cụ có rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Hán, và chữ Nôm. Do đó tôi phải đi học chữ “vuông”. Tôi tập học chữ Nôm bằng cách đọc “Truyện Kiều”, Kiều mở đầu với câu “Trăm năm trong cõi người ta”, tôi cứ học mò, chữ đầu tiên là trăm, chữ thứ hai là năm, rồi nhớ mặt chữ mà học. Càng học, học nhiều phiên bản Kiều, tôi phát hiện ra nó đôi khi khác nhau ở rất nhiều câu chữ. Tôi tò mò và quyết tâm đi tìm nguyên tác “Truyện Kiều”. Một kiệt tác như “Truyện Kiều”, một tác gia như Nguyễn Du, ta không thể làm tam sao thất bản đi được. Tôi đi nhiều lắm. Từ Nam ra Bắc, nghe đồn ở đâu có Kiều là tôi tìm đến hỏi mua hoặc sao chép lại. Đến giờ này, sau hơn 20 năm bôn ba, tôi đã có 60 bản Kiều cổ. Tôi căn cứ vào các văn bản cổ đó để mày mò: “Cái gì của Nguyễn Du xin trả về cho Nguyễn Du”. Tháng 8.2009, một công trình nghiên cứu “Văn bản Truyện Kiều phục nguyên” của tôi đã được NXB Giáo dục in và phát hành.
Thỉnh thoảng người ta lại tặng tôi một đấu tiền cổ
Ông cũng được biết đến với ngôi nhà bốn năm sáu tầng giữa thành phố tỉnh lỵ Bắc Ninh, trong đó có tới 2.000 pho tượng cổ kính, lạ lẫm với các tư thế hết sức hồn nhiên, phồn thực, “sinh thực khí” của các cụ ông cụ bà “phô” ra với nhiều tình tiết vô cùng khó hiểu. Bây giờ xin hỏi lại, thế cái tượng này thì những “cụ” đầu tiên ông lấy ở đâu ra, ông thu gom thế nào mà có đến những 2.000 pho?
– Tượng đầu tiên là dân đồ cổ nó mang đến bán, thực ra “lang vườn” như tôi thì tôi làm gì có tiền mà dám chơi đồ cổ. Mới đầu mình biết một ít chữ Hán thì dân đồ cổ họ mang bát đĩa, hoành phi câu đối đến đây hỏi, họ mang cả thúng tiền cổ đến đây hỏi, mình đọc xong thì chẳng nhẽ ông lang bỏ cả việc nhà ra đọc cho cả đống tiền cổ mà không lại quả cho mình cái gì. Bảo đưa cho chú một triệu thì xót ruột, thôi cho chú một đấu tiền. Hoặc họ mang mấy chục cái đĩa, cái chén trùng nhau về hình dáng và niên đại đến thì cho mình mấy cái. Sau thấy chơi cũng được, người ta không biết chữ người ta vẫn chơi, mà mình biết chữ thì tội gì, tiết kiệm tháng dăm bảy triệu đồng để chơi. Còn cái tượng này thì dân đồ cổ không anh nào thích chơi cả, mà dân ấy họ chỉ thích chơi gốm sứ, ví dụ gốm thì thời Nam Bắc Triều, sứ Lý – Trần – Lê. Dân đào được đồ cổ khoe, tôi thấy lạ, nhìn hình dáng mê ngay, dù chưa biết là tượng gì, thế là tôi sưu tầm.
Những cái tượng đầu tiên ông tìm được, ông nghĩ nó là tượng gì?
– Đầu tiên tôi nghĩ nó là tượng đất do dân ngẫu hứng làm, đến khi bán cho cả hòn gạch như múi bưởi, thì tôi đoán nó thuộc thời Hán, cái đó rất đặc trưng, tôi đã đọc ở đâu đó. Khi tôi chấp nhận mua cái là họ đào ào ạt lên hết, đem đến đây bán nhiều lắm. Trước họ đào lên vứt ở vườn nhưng không ai mua, may mà không ai mua. Chứ có người mua thì giá nó đội lên ầm ầm, sau họ bán cho tôi, đầu tiên là ba chục nghìn một cái. 2.000 pho tượng mà tôi sưu tầm được, đã được đào lên từ dưới mộ, người ta yểm nó trong mộ thay cho kiểu Tần Thủy Hoàng yểm các lính dõng dưới lăng mộ mình ở Tây An (Trung Quốc) ấy.
![]() |
Một số bức tượng trong số 2.000 pho tượng ông Bảo sưu tập. |
Sao yểm dưới mộ linh thiêng mà các cụ lại đồng loạt hầu như không mặc áo quần hết vậy!
– Thì lúc bấy giờ quan điểm dân Việt Nam theo chủ nghĩa phồn thực, lúc đó phong kiến nó chưa nặng nề lắm có thể vào thế kỷ thứ I, thứ II gì đấy, cho nên nó cứ nặn tự do thế, đặc biệt là còn đặc tả bộ phận sinh lý sắc nét, cách điệu hơn, to và dài không giấu diếm gì cả.
Đến bây giờ ông có kết luận giá trị của cái “tục lệ một thời” với chi tiết yểm tượng ở truồng này như thế nào không?
– Kết luận thì ông Trịnh Cao Tưởng (ở Viện Khảo cổ học Việt Nam) lên đây, ông bảo, cậu cứ viết một bài báo đi, tham gia hội nghị khảo cổ học tôi sẽ lược qua cho cậu, cho cậu đọc một tham luận ở hội nghị khoa học cổ, thì nó sẽ có tiếng vang rất lớn. Bởi ông Tưởng bảo seri tượng này rất quý và rất lạ. Vừa rồi có một nhà nghiên cứu nổi tiếng cùng Đài Truyền hình Việt Nam lên nhà tôi làm một chương trình truyền hình về cái này, ông khen hết ý luôn.
Tóm lại seri tượng đó bản chất nó như thế nào, thưa ông?
– Nó phản ảnh một là ý thức tư tưởng của người Việt cổ, nó phù hợp với những gì giới sử học biết về thời đó. Chủ nghĩa phồn thực của người Việt Nam vẫn còn thịnh hành nên người ta vẫn nặn… thoải mái.
Chủ nghĩa phồn thực của người Hán chứ? Bởi như ông nói, các tượng này đều lấy trong những ngôi mộ có gạch hình múi bưởi với mái vòm như kiến trúc đặc trưng của mộ Hán?
– Của người Việt, đây là mộ của những ông quan Việt thôi, nhưng thời bấy giờ họ chôn trong các ngôi mộ kiểu đó. Tại vì Hán người ta phải nặn to hơn, ít ra ví dụ Tần Thủy Hoàng nặn to bằng người thật thì đây nó cũng phải to tương đối, còn đây là những ông chủ người Việt, các ông tương đối giàu với chức quan vừa phải, thì nặn bé bé thế thôi. Ví dụ, một khi có ông quan địa chủ chết thì con cháu tổ chức thuê nghệ nhân trong vùng nặn cho ông cụ vài trăm pho tượng đất nung nho nhỏ chôn xuống dưới đó, thay cho bây giờ mình không nặn nữa mà mình làm hình nhân bằng giấy, thuê hàng mã làng tranh Đông Hồ làm xe máy, ti vi, tủ lạnh…
Bác phải mua bằng hết cái kho tượng đất nung này, đừng để “sổng” mất cụ nào!
Khi ông Trịnh Cao Tưởng còn sống thì ông Tưởng đánh giá thế nào về hệ thống kho tưởng của “Lang Chọi”?
– Ông Trịnh Cao Tưởng bảo thế này, ông Nguyễn Khắc Bảo ơi, lộc ông là đến rồi đấy, tôi khuyên ông, ông có phải tiết kiệm ăn uống thì ông mua hết các tượng lưu lạc trong dân gian loại này đi. Ông mà để sổng cho người khác mua là không bao giờ đến lượt ông mua nữa đâu. Tôi nghe lời ông, và tôi cũng mời giới họa sĩ của Hà Bắc từ ông Anh Vũ đến ông Vũ Bảy đến nhà tôi. Tôi bảo, thế bây giờ em hỏi thật các, bác có nặn được như thế này không? Họ đều trả lời là không thể.
Xin hỏi thật, ông mất bao nhiêu tiền và bao nhiêu lâu để tích cóp được 2.000 pho tượng cổ như bây giờ?
– Đợt đó cũng mất khoảng 7 – 8 năm đấy, họ cứ đào dần lên chứ nó có bật lên một lúc đâu. Cho đến bây giờ thì cạn rồi, có đặt hàng cũng không có nữa. Thực ra cũng mất độ hai trăm, ba trăm ngàn một cái (trị giá tiền lúc bấy giờ), mà tổng cộng là 2.000 cái thì mất độ sáu, bảy mươi triệu.
Ngày xưa số tiền thế là cũng lớn lắm, ông kinh doanh gì mà rủng rỉnh thế?
– Thì bán thuốc nhì nhằng, mỗi tuần họ mang lên độ 10, 15 cái thì mất vài trăm nghìn, vẫn tiết kiệm được, cho nên xe có đổi được đâu, vẫn đi xe cọc cạch DD màu đỏ này từ 20 năm rồi đấy thôi.
Khu đó là khu nào vậy?
– Lúc đầu họ khai với tôi là ở Chí Linh, Hải Dương. Nhưng vừa rồi có một tay bán đồ cổ bảo là không phải Chí Linh tít giáp Quảng Ninh đâu, mà nó ở Hải Dương nhưng ở vùng dưới Cẩm Giàng một tí, ở cái sông gì đó mà tay đó lên đây bán đồ cổ và nói tháng này trời khô ráo nếu bác có điều kiện thì bác mời bác về đây, bọn em đào cho bác xem, chỉ cần chứng minh quê em là nơi có các ngôi mộ “sản xuất” ra các tượng đất này.
Các họa sĩ “xin lạy” nông dân nặn tượng từ 2 nghìn năm trước
![]() |
Một trong số những bức tượng ông Bảo sưu tầm. |
Tôi hỏi thật, nếu như có ai mua hết kho tượng này ông có bán tất không? Mà ông phải làm gì cho nó phát huy hết giá trị của nó chứ, không lẽ cứ nhốt trên gác xép phủ bụi mãi à? Ông có muốn trưng bày ở Hà Nội không?
– Kể ra thì rất muốn trưng bày. Nhưng, nếu trưng bày mà tôi phải trả tiền, thuê nhà, đóng tủ trả tiền cho bảo vệ thì tôi chả có xu nào mà trưng bày được.
Nếu họ mua thì bán theo giá thị trường bây giờ bao tiền một cái, sẽ cho chọn từ cái tượng đẹp nhất đến cái đẹp nhì?
– Không chọn, ít ra thì tôi cũng bớt lại trăm cái mà tôi thích nhất, còn ví dụ có mua trăm cái từ cái một trăm linh một trở đi thôi thì một triệu đồng một cái.
Ông giữ toàn đồ cổ trong mộ bấy lâu nay, khi ngủ có hay mơ thấy ma tà gì không?
– Chả có vấn đề gì cả, chắc là vía tôi cao, với lại tôi là nhà thuốc, nói về khoa học thì các tượng này cũng đã 2.000 năm rồi, không có cái độc của xác chết. Về mặt tâm linh thì mình không sợ, mình không đào với lại mình cũng không mê tín lắm. Quan niệm ở đây nó như là di sản văn hóa vật thể của dân tộc mình thôi. Các ông khảo cổ đi đào mồ, đào mả còn đi phục chế các xác ướp còn được nữa là, mình giờ chỉ tàng trữ cái này thôi không có gì phải lo cả.
Tôi nghĩ, ngoài cái dấu ấn của thời kỳ quan niệm phồn thực, quan niệm còn ngây thơ như ông nói, bản thân mỗi bức tượng cũng rất có giá trị nghệ thuật không?
– Có giá trị nghệ thuật cao chứ, và cái thứ hai nó bảo lưu được hình dáng của người Việt cổ, người Việt cách đây 2.000 năm.
Nhưng mà sinh thực khí thì nó không phải như thế này, nó to quá và bị cách điệu quá!
– Thì nó cách điệu, như mọi người thấy tranh Đông Hồ đấy. Vào thế kỷ 18, 19 họ vẽ nhiều khi đầu gối còn to, mặt to, chân tay loằng ngoằng, huống hồ cách đây 2.000 năm có ai dạy về định luật đâu. Cho nên mấy ông “họa sĩ đến thăm kho tượng của tôi và các ông bảo chúng tớ không tưởng tượng được khi nặn người nó lại ra như thế này, nặn người thế này nó sai với các điều mà nhà trường dạy, cho nên chúng tớ không thể nặn được. Các ông bảo người nông dân nào trong thế kỷ 20, 21 mà nặn được như thế này chúng tớ cũng phải lạy ông ấy có cái tư duy rất độc đáo.
Cảm ơn ông!
ĐỖ DOÃN HOÀNG THỰC HIỆN