Từ giáo viên Toán đến nhà Kiều học

O4

O4

(ANTV) – Với niềm đam mê Truyện Kiều, thầy Nguyễn Khắc Bảo, giáo viên dạy Toán, nhưng đã có 26 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến những giá trị tinh hoa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Đến nay, ông đã có trong tay 61 bản Kiều nôm, 60 bản Quốc ngữ và hơn 100 cuốn bàn về Truyện Kiều, trong đó có những cuốn được coi là cổ nhất hoặc chỉ còn duy nhất 1 bản.
“Tôi vỗn xuất thân là 1 gia đình làm thuốc. Để nối nghề tôi phải học chữ Hán và chữ Nôm. Trong quá trình học thì tôi lấy bản Truyện Kiều Nôm của các cụ để lại làm tài liệu. Và sau khi đọc thì càng thấy Truyện Kiều hay. Và có nhiều bản Kiều Nôm nó khác với bản chữ Quốc ngữ nên tôi đi sưu tầm bản Truyện Kiều Nôm trong cả nước”- Ông Nguyễn Khắc Bảo – phường Tiền An – Tp Bắc Ninh – Bắc Ninh chia sẻ.
Từ cơ duyên ấy, cho đến nay, ở tuổi gần 70, ông Nguyễn Khắc Bảo đã có cho mình hàng trăm cuốn sách sưu tầm về Truyện Kiều và một kho kiến thức từ vựng phong phú để đối chiếu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
Điều đặc biệt là, tất cả vốn liếng ấy đều có được do tinh thần tự học và say mê, nghiên cứu Truyện Kiều. Ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, phát hiện nhiều sự khác biệt giữa từ ngữ trong bản Nôm cổ và bản dịch Quốc ngữ.
Đến nay, ông Nguyễn Khắc Bảo đã được xuất bản và công nhận 5 đầu sách viết về Truyện Kiều cùng hơn 100 bài báo khác nhau viết về chuyện “chữ nghĩa” và bình luận của mình về Truyện Kiều.
Thế nhưng, càng đọc và nghiên cứu về Truyện Kiều, nhà Kiều học này lại càng thêm thấm thía giá trị của Truyện Kiều và đóng góp của Nguyễn Du đối với nền văn hóa dân tộc. Bởi vậy, ông vẫn trăn trở về việc quảng bá Truyện Kiều cho muôn đời sau, bởi đây là tác phẩm đánh dấu sự phát triển của Tiếng Việt lên đến đỉnh cao, khẳng định ngôn ngữ dân tộc đủ sức diễn tả mọi trạng thái tư duy, tình cảm của con người Việt.
Theo ông Bảo: Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá Truyện Kiều. Tôi thấy việc tái bản Truyện Kiều thì làm rất tốt vì các bản tùng thư của Truyện Kiều tiêu thụ rất tốt chứng tỏ là dân Việt Nam ta còn rất say mê Truyện Kiều. Nhưng về phía Nhà nước, về phía ngành giáo dục phải đưa Truyện Kiều vào trong việc giảng dạy sâu hơn nữa, rộng hơn nữa thì các cháu qua việc học phổ thông mới hiều sâu sắc Truyện Kiều và từ chỗ hiểu đó thì mới yêu được truyện Kiều nhiều hơn.
Cũng nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Ban chỉ đạo Quốc gia đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Đây cũng là lần thứ 2, cả nước và toàn thế giới tôn vinh cụ Nguyễn Du với tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều. Lễ kỷ niệm trọng thể, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 05/12 tại Hà Tĩnh – quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du.