Phòng chống bệnh cúm bằng đông y

Phòng chống bệnh cúm bằng đông y

D1

D1

Trong đông y có khá nhiều vị thuốc, bài thuốc dân gian và thức ăn bài thuốc có thể áp dụng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể trước các loại virus gây bệnh trong đó có các loại virus cúm.

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, với biện pháp phòng tránh chủ yếu là ngăn chặn sự lây nhiễm và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Trong đông y lại có khá nhiều vị thuốc, bài thuốc dân gian và thức ăn bài thuốc có thể áp dụng để nâng cao khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các loại virus gây bệnh. Do đó, xin chia sẻ một chút kiến thức và kinh nghiệm bản thân, mong rằng giúp cho mọi người có thêm biện pháp để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.

  1. Trà:

Từ xưa cụ Hải Thượng đã dạy:

Bán dạ tam bôi tửu,

Bình minh sổ tràn trà.

Nhất nhật cứ như thử.

Lương y bất đáo gia

Tạm dịch:

“Nửa đêm uống ba ly rượu,

Buổi sáng một tuần trà,

Mỗi ngày cứ như vậy,

Thầy thuốc không ghé nhà”

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bản thân tôi đã áp dụng như vậy và chỉ cho nhiều người làm theo, thấy sức khỏe rất ổn, đặc biệt là không bị cảm cúm và bệnh đường hô hấp.

Nghiên cứu về tác dụng của trà trên hệ miễn dịch cho thấy người uống trà thường xuyên thì phản ứng miễn dịch nhanh gấp 5 lần người không uống. Do đó, nên uống một ly trà vào mỗi buổi sáng.

  1. Tỏi:

Tỏi, ngoài là một gia vị thì còn được biết đến và sử dụng với rất nhiều công dụng phòng và chữa bệnh như cải thiện tiêu hóa, giảm mỡ máu, chống oxy hóa… Đặc biệt, từ xa xưa cha ông ta đã dùng tỏi để chữa cảm cúm.

Ngoài ra, cũng rất nhiều ghi nhận lịch sử dùng tỏi để nâng cao sức khỏe và chữa bệnh: Hippocrates đã xem tỏi là loại thuốc quý; những người xây Kim Tự Tháp ở Ai Cập sử dụng tỏi trong thức ăn để tăng cường sức lao động; hay câu chuyện về người vượt qua trận dịch hạch với bí quyết ăn tỏi tươi mỗi ngày; trong thế chiến thứ nhất, người Nga đã dùng tỏi để chữa lành vết thương (còn được gọi là penicillin Nga)… Do đó tỏi là một thức ăn bài thuốc nên dùng hàng ngày.

Các nghiên cứu về tác dụng kháng virus của tỏi đã chứng minh nó có tác dụng ức chế các loại virus: cúm mùa (A và B), rhinovirus, herpes, rotavirus và kể cả virus HIV nhờ tác dụng của chất allicin có trong tỏi.

Theo GS Đỗ Tất Lợi (tác giả cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”) trong tỏi có allicin, một hợp chất của sunfua có tính kháng khuẩn rất mạnh.

Cách dùng:

Với người có thể ăn được tỏi tươi, có thể ăn hàng ngày 1-3 tép tỏi.

Người không ăn được tỏi tươi có thể tăng cường thêm một chút tỏi làm gia vị hoặc dùng tỏi ngâm.

Ngoài việc đeo khẩu trang, có thể dùng tỏi giã nhỏ rồi cho một ít nước muối sinh lý, gạn lấy nước, nhỏ 1-2 giọt vào hai lỗ mũi cũng là cách góp phần ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể.

  1. Mật ong, chanh, sả:

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mật ong có tác dụng chính là bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, có tính sát trùng và chống viêm tốt, nếu cơ thể bị các tổn thương thì giúp hồi phục các tổn thương. Với bệnh đường hô hấp thì điển hình là bài mật ong ngâm với chanh hoặc quất rất hiệu quả trong giảm ho, chống viêm, giảm xuất tiết.

Khi nghiên cứu về mật ong, người ta thấy có các enzyme, nhiều vitamin, khoảng 31 loại khoáng chất, flavonoid và polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch, là hai phân tử hoạt tính sinh học chính có trong mật ong.

Chanh, có thể đơn giản dùng nước chanh giải khát là có tác dụng tốt. Trong đông y thường dùng cả vỏ chanh để tăng thêm tính kháng lại vi khuẩn ở đường hô hấp, nên trong trường hợp này nên dùng cả quả chanh.

Nghiên cứu về tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại virus cúm của quả họ cam chanh cho thấy nó giúp đẩy nhanh miễn dịch đặc hiệu, làm tăng hiệu quả của vaccine. Tác dụng này có được do trong quả họ cam chanh có beta sitosterol.

Sả là một vị thuốc hay dùng để xông khi bị cảm cúm trong dân gian, tuy nhiên trong đông y còn dùng trong nhiều mục đích khác như chữa ho, giải độc, giúp làn da đẹp hơn, tóc đẹp hơn, chống đầy bụng khó tiêu, thư giãn cơ, giảm mỡ máu… Một trong những công dụng đặc biệt của sả là sát khuẩn mà không gây hại cho cơ thể người, do đó một số người còn khuyên dùng tinh dầu sả khuếch tán trong phòng.

Cách dùng:

1-2 quả chanh, thái lát (dùng cả vỏ), khoảng 3 nhánh sả, nấu trong khoảng 5 phút với 1 lít nước, chắt lấy nước, để ấm, pha thêm 1-2 thìa (muỗng) cà phê mật ong, khuấy đều, ngày uống 1 đến 2 lần. Cũng có thể chế biến với lượng nhiều, để tủ lạnh và dùng dần.

Cũng có thể dùng riêng mật ong, hòa với nước ấm để uống.

  1. Hành:

Nếu ăn phở hay các món ăn có thể thêm hành làm gia vị, thì nên tăng thêm hành một chút trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp này.

Hành không những giúp ta thêm ngon miệng mà còn giúp ta nâng cao sức đề kháng trước vi khuẩn, virus. Nếu đã bị bệnh thì lại giúp tấn công vi khuẩn vì tính sát khuẩn rất tốt của hành. Tính sát khuẩn của hành cũng đã được chúng tôi áp dụng cho những bệnh nhân bị vết thương hoặc vết loét khó lành.

Nghiên cứu về tác dụng tăng tính miễn dịch của hành cho thấy điểm số độ mạnh miễn dịch tăng ở nhóm sử dụng hành trong 4 tuần so với giả dược. Đặc biệt ở nhóm sử dụng liều cao thì độ mạnh miễn dịch càng tăng hơn.

Một số việc khác nên làm để tăng sức đề kháng của cơ thể:

– Tập luyện thể lực cũng nên được thực hiện đều đặn để hệ miễn dịch luôn được hoạt động tốt để phòng chống bệnh.

– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

– Uống đủ nước và nên uống nước ấm.

– Sưởi nắng vào buổi sáng.

– Mở cửa cho thoáng gió nếu có thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi – Nhà xuất bản Y học
  2. Tuệ Tĩnh toàn tập – Nguyễn Bá Tĩnh – Nhà xuất bản Y học
  3. Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh – Lê Hữu Trác – Nhà xuất bản Y học

    Download

    Download