“Nguyễn Du và Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh”

O5

O5

(Baohatinh.vn) – Đó là chủ đề của hội thảo do Hội Kiều học Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức vào sáng nay (18/11) tại TP Hà Tĩnh.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh và lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội, NXB Đại học Vinh, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Bảo tàng Bắc Ninh cùng dự.

Giáo sư Phong Lê, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo và Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Đức Hạnh chủ trì hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện – Phó trưởng Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du hoan nghênh và đánh giá cao nội dung của hội thảo; tin tưởng, qua hội thảo sẽ có thêm nhiều đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự ảnh hưởng, sức lan tỏa của Nguyễn Du và Truyện Kiều đối với Hà Tĩnh trong suốt chiều dài lịch sử hơn 200 năm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện phát biểu chào mừng hội thảo

Đề dẫn hội thảo do GS. Phong Lê trình bày nêu rõ, hội thảo là cái nhìn thu nhỏ mối quan hệ giữa Nguyễn Du với Hà Tĩnh – quê nội; nhằm làm tỏa sáng hai chiều.

Chiều thứ nhất – từ lịch sử và đặc trưng một vùng đất tìm ra những nguyên nhân, những căn rễ làm nảy sinh một con người kỳ vĩ, và tạo nên những dấu ấn không phai trong tác phẩm.

Chiều thứ hai là sự nhận diện một diễn trình lịch sử các thế hệ con em Hà Tĩnh góp công khám phá và tỏa rộng di sản của Nguyễn Du, cho đất nước và quê hương, gồm những tên tuổi rất sáng danh như Lê Thước, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Trương Chính, Xuân Diệu, Vũ Ngọc Khánh, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh…

GS. Phong Lê phát biểu đề dẫn hội thảo

Với 40 tham luận, hội thảo được cấu trúc thành 2 phần: Nguyễn Du và quê hương Hà Tĩnh; Hà Tĩnh với Nguyễn Du đã cung cấp, bổ sung thêm mối quan hệ tương hỗ giữa Nguyễn Du với quê hương.

Hội thảo cũng đã khẳng định những dấu ấn của sông Rum – Ngàn Hống, những địa danh của đất Lam Hồng đến con người và tác phẩm của Nguyễn Du; những kỷ niệm tuổi thơ và đường đời của Nguyễn Du còn lưu lại trong thơ chữ Hán, Truyện Kiều và Văn chiêu hồn; khẳng định những năm tháng sống ở Hà Tĩnh; giả thuyết về đất quê nội chính là địa điểm Nguyễn Du sáng tác kiệt tác Truyện Kiều…

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết trình bày tham luận “Những năm tháng Nguyễn Du sống ở Hà Tĩnh và dấu ấn quê hương trong trước tác của thi hào”

Mở đầu phần thứ nhất, nhà nghiên cứu Bùi Thiết trình bày tham luận “Những năm tháng Nguyễn Du sống ở Hà Tĩnh và dấu ấn quê hương trong trước tác của thi hào” đã phân định các mốc thời gian trong hành trình của cụ Nguyễn để làm rõ chủ đề mà tác giả xác định.

Với việc đối thoại với các quan điểm của người đi trước và bằng các phân tích khá cặn kẽ về ngôn ngữ, văn tự, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo tin chắc rằng: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều thời Tây Sơn tại Hồng Lĩnh – Tiên Điền – Nghi Xuân – Hà Tĩnh”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo trình bày tham luận

Trên góc độ tiếp cận tộc phả, Tiến sĩ Võ Hồng Hải trình bày một số suy nghĩ về nguồn gốc họ Nguyễn Tiên Điền và trao đổi ý kiến xung quanh câu chuyện Nguyễn Du hát ví ở Trường Lưu, nhằm khẳng định tình cảm sâu nặng với quê hương được phản ánh cụ thể, chi tiết trong các tác phẩm của cụ Nguyễn, đồng thời bác bỏ một số luận điểm chưa thỏa đáng của những nhà nghiên cứu khác.

Trong phần hai, Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ trình bày tham luận “Khí chất tâm hồn người Hà Tĩnh với nhân cách văn hóa Nguyễn Du”. Tham luận đã đi sâu phân tích khí chất, con người Hà Tĩnh, từ đó chứng minh những ảnh hưởng tới nhân cách Nguyễn Du.

Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ trình bày tham luận “Khí chất tâm hồn người Hà Tĩnh với nhân cách văn hóa Nguyễn Du”

GS. Nguyễn Khắc Phi tham luận nội dung Nguyễn Khắc Viện với Truyện Kiều, trong đó nhấn mạnh những vấn đề đặt ra từ dịch phẩm của Nguyễn Khắc Viện. Cùng quan điểm tiếp cận Truyện Kiều qua những đóng góp của các tên tuổi khoa học đất Hà Tĩnh, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Khóa trình bày tham luận Hoàng Xuân Hãn với Truyện Kiều. Đó là những cách nhìn vừa thấy được nỗ lực của tên tuổi khoa học sinh ra ở Hà Tĩnh, vừa qua đó thấy được vị trí quan trọng của Truyện Kiều.

GS Phong Lê và Nhà thư pháp Thế Anh tặng các bức thư pháp cho lãnh đạo tỉnh

Nguyễn Du và Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh là hội thảo về Nguyễn Du được tổ chức lần thứ 2 tại Hà Tĩnh – quê nội của Đại thi hào. Hội thảo trước đó được tổ chức vào tháng 12/2012 có chủ đề “Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới”.

http://baohatinh.vn/van-hoa-giai-tri/nguyen-du-va-truyen-kieu-voi-que-huong-ha-tinh/104843.htm

Mạnh Hà