Cấu tạo và chức năng quan trọng của gan

Cấu tạo và chức năng quan trọng của gan

Gan 1

Gan 1

Khi gan bị tổn thương sẽ khiến các chức năng bị suy giảm gây gan nhiễm mỡ, cholesterol máu cao, mụn nhọt mẩn ngứa do giảm chức năng thải độc, chán ăn, đầy bụng do chức năng tạo mật kém, nặng hơn gây bụng chướng to do mất cân bằng protein, chảy máu, sưng phù chân, trí não lú lẫn, hôn mê…

Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể với hàng trăm chức năng khác nhau trong cơ thể. Gan là một cơ quan nằm phía trên bên phải ổ bụng. Phía trên gan tiếp giáp với cơ hoành, phía dưới là ruột non và ruột già. Phía trước bên trái tiếp giáp với dạ dày, phía sau bên phải là thận phải.

Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể, nặng khoảng 1.500g, được chia thành 2 thùy trái và phải. Thùy phải to hơn thùy trái. Mặt dưới gan có túi mật, mật giúp cơ thể tiêu hóa các chất béo..

1. Cấu tạo của gan

Gan của 1 người bình thường có khoàng 100 tỉ tế bào. Khi xem dười kính hiển vi, người ta thấy gan được tạo nên từ nhiều tiểu thùy gan có hình lục giác xếp kế cận nhau. Ở giữa mỗi hình lục giác là tĩnh mạch trung tâm, nơi hội tụ của dãy các tế bào gan. Đầu kia của dãy tế bào gan là khoảng cửa, nơi chứa các nhánh của tĩnh mạch cửa, động mạch gan và ống mật. Ở giữa các dãy tế bào gan là các cấu trúc xoang mạch dẫn lưu máu từ khoảng cửa đi đến tĩnh mạch trung tâm. Các dãy tế bào gan này lại xếp chồng lên nhau thành từng lớp.

Giữa 2 lớp tế bào trên và dưới là các đường rãnh chứa dịch mật do gan tiết ra cùng với các chất được thải qua mật. Mật chảy theo các đường rãnh này đến đổ vào các ống mật ở khoảng cửa, rồi vào những ống mật lớn hơn. Sau đó, mật tiếp tục đi vào ống gan trái, ống gan phải, xuống ống mật chủ và cuối cùng đến ruột non qua một lỗ mỡ gọi là cơ vòng Oddi.

Hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể như thận, não… đều nhận máu trực tiếp từ tim. Duy nhất chỉ có gan vừa nhận máu từ tim thông qua động mạch gan, lại vừa nhận máu trực tiếp từ đường tiêu hóa qua một mạch máu lớn được gọi là tĩnh mạch cửa.

Chính vì nằm ở vị trí ”chiến lược” này, các chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ từ ruột sẽ đi qua gan để biến đổi được thành các chất cần thiết cho cơ thể. Đồng thời các độc chất từ đường tiêu hóa cũng phải qua gan để được chọn lọc và khử độc.

Tĩnh mạch cửa cung cấp 80% tổng lượng máu đến gan. 20% máu còn lại chuyên chở dưỡng khí (oxy) cần thiết cho hoạt động của gan là do động mạch gan cung cấp. Khi đến gan, hai dòng máu này cùng đổ vào các cấu trúc đặc biệt trong gan gọi là xoang mạch máu. Từ các xoang mạch máu này, các chất trong máu được thấm nhập vào trong các tế bào gan và ngược lại, các chất từ tế bào gan cũng được thấm nhập vào trong máu.

Thông qua quá trình trao đổi này, tế bào gan thực hiện các nhiệm vụ của mình. Sau đó, máu từ các xoang mạch sẽ tập trung đổ vào các tĩnh mạch của gan. Từ tĩnh mạch gan, máu lại tiếp tục đổ vào tĩnh mạch chủ dưới để cuối cùng trở về tim.

Gan 1

2. Chức năng của gan trong cơ thể

Hiện nay, người ta đã biết gan đảm nhiệm hàng ngàn nhiệm vụ khác nhau trong cơ thể. Trong chương này, chúng tôi chỉ có thể trình bày một cách vắn tắt một số nhiệm vụ quan trọng nhất của gan.

2.1. Chức năng chuyển hóa các chất

Gan thường được ví như “nhà máy năng lượng hóa học” vì nó có khả năng chế biến mọi thứ mà chúng ta ăn vào, hít vào hoặc những chất được hấp thu qua da. Ngoài ra gan còn biến đổi 1 số chất do chính cơ thể tiết ra ví dụ như các nội tiết tố. Chức năng biến đổi các chất của gan còn được gọi là chức năng chuyển hóa. Chức năng này rất phức tạp và đa dạng với hàng ngàn phản ứng sinh hóa được xảy ra từng giây từng phút.

CHUYỂN HÓA GLUCID:

Chất đường (glucid) là thành phần chính có trong cơm, gạo, bánh mì,… Sau khi ăn, chất đường được các men tiêu hóa ở dạ dày và ruột biến thành các chất đơn giản hơn ví dụ như chất glucose để dễ dàng ngấm được vào trong máu.

Gan giống như một ”nhà kho” dự trữ đường. Khi glucose trong máu cao, gan sẽ tổng hợp thành glycogen và dự trữ ở gan. Khi năng nồng độ glucose trong máu thấp, gan sẽ chuyển glycogen này thành glucose để đưa trở lại vào máu. Nhờ vào khả năng đó mà đường trong máu không bị lên quá cao hay xuống quá thấp. Trong y học, người ta gọi đây là chức năng điều hòa đường huyết của gan.

CHUYỂN HÓA PROTEIN:

Chất đạm (protein) có trong thịt cá, đậu hũ… Sau khi ăn vào, chất đạm từ thức ăn sẽ được men tiêu hóa ở dạ dày vào ruột biến chúng thành những chất đơn giản hơn như là các axit amin để dễ dàng được hấp thụ vào máu. Khi các axit amin này đến gan, chúng sẽ được gan sử dụng để tổng hợp thành nhiều loại chất đạm quan trọng khác nhau cần thiết cho hoạt động của cơ thể.

Sau đây là một số chất đạm do gan sản xuất ra:

– Chất albumin : chất này giúp tạo ra áp lực keo của huyết tương. Đó là áp lực làm cho nước được giữ lại trong lòng mạch máu. Khi gan bị suy yếu, nồng độ albumin trong máu giảm thấp cho nên áp lực keo trong máu cũng bị giảm theo. Vì vậy, nước trong lòng mạch máu sẽ thoát ra ngoài làm cho cơ thể bị sưng phù.

– Prothrombin, fibrinogen và các yếu tố đông máu số V, VII, IX, X: giúp cho máu có thể đông lại để bịt kín và làm cho vết thương nhỏ ngưng chảy máu.

CHỨC NĂNG CHUYỂN HÓA LIPID:

– Gan chính là nơi kiểm soát sự tạo ra và bài tiết chất cholesterol, giúp nồng độ cholesterol trong máu phải được duy trì ở một lượng thích hợp. Khi dư thừa cholesterol, chất này có thể bị động lại và gây bệnh ở một số nơi như tim, mạch máu, lượng cholesterol cao có thể tạo ra sỏi thận.

2.2 Chức năng khử độc

Một trong những chức năng quan trọng của gan là lọc ra khỏi cơ thể những chất độc trong máu bằng cách biến đổi và khử độc chúng rồi thải loại chúng ra khỏi cơ thể qua đường mật hay đường tiểu…

Gan còn lọc ra khỏi máu các độc chất như rượu, thuốc men và các hóa chất khác khi đưa vào đường uống, hít hoặc ngấm quá da. Nhiều loại thuốc cần phải thận trọng về liều lượng như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc ngừa thai và ngay cả thuốc giảm đau thông thường khi được sử dụng cho bệnh nhân có bệnh về gan.

2.3. Chức năng bài tiết

Tế bào gan liên tục bài tiết ra dịch mật. Dịch mật chứa nhiều chất nhưng có hai thành phần quan trọng:

– Muối mật là chất giúp cho mỡ khi ăn vào có thể tan được trong nước. Điều này sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất mỡ được tốt hơn. Nếu không có muối mật, có thể 40% chất béo sẽ không được hấp thụ. Ngoài vai trò giúp hấp thu chất béo, muối mật còn giúp hấp thu những vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E, K.

– Sắc tố mật: gan không những bài tiết các chất được sản xuất từ gan mà còn bài tiết những chất được tạo ra từ nơi khác. Một trong những chất này là biliribin hay còn được gọi là sắc tố mật.

2.4. Các chức năng quan trọng khác của gan

– Chức năng chuyển hóa thuốc men: Các thuốc men dù dùng qua đường uống hay tiêm chích hoặc bôi dưới da, cuối cùng cũng sẽ đến gan để được biến đổi và được đào thải một phần qua đường mật. Khi gan bị hư hại, chức năng này cũng bị ảnh hưởng, cho nên một số thuốc sẽ bị tích tụ nhiều hơn và lâu hơn, có thể gây độc cho cơ thể.

– Tích trữ vitamin: gan có khả năng tích trữ nhiều loại vitamin, nhiều nhất là vitamin A. Đó là một loại vitamin giúp cho mắt có thể nhìn rõ vào ban đêm. Lượng vitamin A dự trữ ở gan có thể đủ dùng trong 1 – 2 năm. Ngoài ra, gan còn dự trữ vitamin D, B12…

Nói tóm lại gan là một cơ quan đảm nhiệm khá nhiều chức năng quan trọng và phức tạp của sự sống. Do có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể cho nên khi gan bị bệnh, bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng của các cơ quan khác.

KHI GAN BỊ TỔN THƯƠNG SẼ KHIẾN CÁC CHỨC NĂNG BỊ SUY GIẢM gây GAN NHIỄM MỠ, cholesterol máu cao, mụn nhọt mẩn ngứa do giảm chức năng thải độc, chán ăn, đầy bụng do chức năng tạo mật kém, nặng hơn gây bụng chướng to do mất cân bằng protein, chảy máu, sưng phù chân, trí não lú lẫn, hôn mê…

Khi có những biểu hiện suy giảm chức năng gan, cần có các biện pháp bảo vệ gan, tăng cường chức năng gan, tránh tình trạng gan bị tổn thương quá mức gây viêm gan, xơ gan, ung thư gan, tử vong.